Từ lâu, mỗi khi nói về ngành giáo dục Việt Nam, người ta vẫn nói về một căn bệnh của ngành này, đó là “Bệnh thành tích”.
Căn bệnh thành tích của ngành này phát triển sâu, rộng đến mức trở thành điều đương nhiên không thể sửa chữa. Và “thành tích” của nó, là hàng loạt học sinh học đến lớp 6, lớp 7 rồi vẫn chưa thể biết đọc, biết viết bởi vì thành tích, mà giáo viên cứ đẩy học sinh lên lớp mặc kệ nó học hành ra sao.
Cũng với tinh thần đó, thì nhiều kỹ sư, thạc sĩ, thậm chí là tiến sĩ, giáo sư được đào tạo mà chưa học qua Phổ thông cơ sở, Phổ thông trung học… cho đến khi bị phát hiện và đã lỡ bổ nhiệm làm cán bộ, là người “có uy tín” của đảng, thì khi đó mới cho “bổ sung, chuẩn hóa bằng cấp” cho đầy đủ. Nghĩa là ngành này thực hiện đúng phương châm “Sinh con, rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Hàng loạt những “người có uy tín trong xã hội” – tức là những quan chức, có chức vụ theo như lời của một cán bộ có trách nhiệm – trong vụ việc cấp bằng giả hàng loạt tại Đại học Đông Đô là một ví dụ điển hình.
Mới đây nhất, là hiện tượng Thích Chân Quang – một sư quốc doanh nổi tiếng với những trò lừa đảo, dọa nạt, khuyến dụ người dân cúng dường, moi những đồng cắc cuối cùng để nộp vào cho các chùa quốc doanh mặc sức thi thố những trò đồi bại – bị phát hiện có hàng loạt bằng cấp, được quảng cáo rùm beng từ bằng các văn bằng cử nhân Ngoại ngữ, Luật, bằng Tiến sĩ luật và còn đang làm tiếp bằng Tiến sĩ thứ 2. Thế nhưng, khi bị lôi ra ánh sáng thì anh ta chưa hề học cấp 3 Bổ túc văn hóa như anh ta đã khai gian.
Người ta đặt câu hỏi: Một cá nhân đi tu, xa lánh bụi trần lại còn chen đua danh lợi, chức tước, học vị làm gì mà phải sử dụng bằng giả và hành động dối trá như Thích Chân Quang thì không còn là chuyện đơn giản.
Không thể kể hết những vụ việc, những vấn đề của nền giáo dục Việt Nam với bệnh thành tích gây hậu quả ra sao. Đã có một thời, một Phó Thủ tướng được giao Bộ giáo dục, rồi vào hẳn Ủy viên Bộ Chính trị mà vẫn bó tay với bệnh thành tích này.
Vấn đề lại là không phải thành tích thật mà là thành tích ảo, là tự sướng, là tự ru ngủ và lừa dối chính mình và xã hội. Có thể kể rất nhiều về những “thành tích ngược” của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay và nó vẫn tiếp tục thể hiện bằng nhiều hình thức, bằng nhiều cách khác nhau trước xã hội.
Căn bệnh thành tích ấy, có căn nguyên sâu xa, từ căn bệnh tham nhũng đã trở nên trầm kha trong xã hội Việt Nam ở mọi lĩnh vực, mọi cấp, mọi nơi. Những “thành tích” đó là đủ loại tệ nạn không chỉ len lỏi, không chỉ là cá biệt mà nhiều vấn đề nghiêm trọng đã trở thành bình thường trong ngành giáo dục Việt Nam.
Chính nền giáo dục đó đã đưa đất nước đến đỉnh điểm của sự suy đồi đạo đức xã hội thể hiện ở ngành giáo dục.
Hài hước hơn, là đỉnh cao của sự suy đồi ấy lại là “thời đại rực rỡ nhất mang tên Thời đại Hồ Chí Minh” và được xác định “Chưa bao giờ giáo dục nước ta được như ngày hôm nay” – lời Nguyễn Phú Trọng.
Giáo dục, là tương lai của dân tộc, của đất nước. Nelson Mandela, Tổng thống Nam Phi, một người nổi tiếng đã từng nói:
“Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.
– Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy.
– Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy.
– Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy.
– Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đấy.
– Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia.”
Còn trong nước, từ lâu Giáo sư Hoàng Tụy đã kêu lên rằng: “Giáo dục của ta không chỉ lạc hậu mà nguy hiểm hơn, nó đang đi lạc hướng, ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh”.
Tương lai dân tộc, tương lai của đất nước đang bị giết chết bởi căn bệnh thành tích này.
Nguyên nhân chính lại vẫn là tư duy của nền giáo dục gọi là XHCN với chế độ độc tài, giáo dục được coi là để chế tạo công cụ phục vụ chế độ chứ không còn là đào tạo con người nhân bản.
20.09.2024
Vũ Mai