Vương Đình Huệ, KHI MỘT NGÔI SAO CHÍNH TRỊ VỤT TẮT – CẢNH TỈNH VỀ LỰA CHỌN VÀ GIÁM SÁT QUYỀN LỰC.
Trong công tác phản biện xã hội, sự ngay thẳng và tôn trọng sự thật vì lợi ích quốc gia luôn là nguyên tắc tối thượng. Phản biện này không nhằm “truy cứu lỗi” của cá nhân ai mà hướng tới cải cách hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn và hiệu quả. Khi một “ngôi sao” lụi tàn Sự kiện ông Vương Đình Huệ – một cựu Ủy viên Bộ Chính trị phải rời chính trường đã để lại nhiều day dứt và suy ngẫm sâu sắc. Từng được đánh giá cao về học vấn, năng lực và phong cách quyết liệt – ông là niềm kỳ vọng lớn, thậm chí được xem là nhân tố nổi bật trong “bộ tứ lãnh đạo”. Thế nhưng hào quang ấy đã vụt tắt. Loạt sai phạm nghiêm trọng và những quyết định thiếu chuẩn mực của ông đã khiến sự nghiệp chính trị tưởng chừng rực rỡ phải khép lại đột ngột. Đây là biểu hiện của thiếu vắng một hệ sinh thái quyền lực, minh bạch, có đối trọng và có kiểm soát từ xã hội dân sự, báo chí và các thể chế độc lập. Những dấu hiệu đã được cảnh báo Nhìn lại quá trình công tác của ông Huệ, những “vấn đề” trong tư duy điều hành đã bộc lộ từ sớm và cần được xem là những dấu hiệu cảnh báo: – Khi ông là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi đã viết bài đăng trên báo Thanh Niên với tiêu đề “Không chuẩn cần phải chỉnh” phê bình phát ngôn về chính sách còn thiếu chuẩn mực, cho thấy nguy cơ các quyết định có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và doanh nghiệp nếu không được cân nhắc thấu đáo. – Khi ông là Phó Thủ tướng Chính phủ, tôi viết bài phân tích việc diễn giải sai lệch chỉ số kinh tế quan trọng như ICOR không chỉ là một lỗi kỹ thuật mà còn tiềm ẩn nguy cơ định hướng sai lầm cho các chính sách kinh tế vĩ mô, làm méo mó nhận định về hiệu quả đầu tư công. – Khi ông là Chủ tịch Quốc hội, tôi viết bài về việc ông chỉ đạo vấn đề xã hội hóa sách giáo khoa mang tính áp đặt, thiếu lắng nghe phản biện khoa học và ý kiến xã hội – là một ví dụ điển hình cho phong cách lãnh đạo áp đặt từ trên xuống, có thể để lại hệ lụy lâu dài cho thế hệ tương lai. Những sự việc này cho thấy một mô thức chung: quyền lực khi không đi kèm với sự minh bạch, tinh thần khoa học và trách nhiệm giải trình trước nhân dân sẽ dễ dẫn đến sai lầm. Giữ đúng vai trò – điều mà người đứng đầu Quốc hội cần thấm nhuần Ngoài ba bài viết đã công bố với tinh thần góp ý thẳng thắn, tôi còn trực tiếp chuyển tải đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lưu ý quan trọng, liên quan trực tiếp đến hiệu quả và uy tín của cơ quan lập pháp: Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có sứ mệnh tối thượng là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Chính vì vậy, khi điều hành các kỳ họp Quốc hội cũng như trong những chuyến công tác, tiếp xúc cử tri hoặc làm việc với chính quyền địa phương, người đứng đầu Quốc hội cần giữ đúng chuẩn mực về vai trò và phương thức hoạt động của cơ quan lập pháp. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, việc tôn trọng ranh giới giữa các nhánh quyền lực là yếu tố sống còn để bảo vệ cả tính chính danh lẫn hiệu quả điều hành. Giữ vững nguyên tắc đó không chỉ bảo vệ uy tín cá nhân của người lãnh đạo, mà quan trọng hơn còn củng cố niềm tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế vào một Quốc hội chuyên nghiệp, hiện đại, thực sự là hiện thân của ý chí, nguyện vọng nhân dân và tinh thần thượng tôn pháp luật. Bài học về văn hóa “chịu trách nhiệm chính trị” Sau khi bị kỷ luật lần đầu, hình ảnh ông Huệ vẫn xuất hiện ở hàng đầu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một sự kiện quốc gia trang trọng đã tạo ra cảm giác phản cảm trong dư luận. Chi tiết này không đơn thuần là vấn đề “quản lý hình ảnh”, mà phản ánh một khoảng trống lớn về văn hóa “chịu trách nhiệm chính trị”. Sự biết vắng mặt đúng lúc của một cá nhân cũng là một hành vi chính trị quan trọng góp phần bảo vệ thể diện của cả một tổ chức. Ở các nền chính trị tiên tiến, một cán bộ cấp cao khi đã bị xử lý kỷ luật cần thể hiện sự khiêm nhường, tự trọng, chủ động rút khỏi các sự kiện trọng thể để bảo vệ uy tín chung của thể chế. Đó là sự tôn trọng tổ chức, tôn trọng công chúng và là biểu hiện cần thiết của liêm sỉ chính trị. Việc ông Huệ sau đó không còn xuất hiện ở các sự kiện tương tự nữa là một điều chỉnh cần thiết, nhưng nó cũng cho thấy kỷ luật không chỉ nằm trên văn bản mà phải thấm sâu vào ứng xử và văn hóa chính trị. Bài học từ thế giới: Quyền lực phải được giám sát Không chỉ ở Việt Nam, lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều “ngôi sao chính trị” lụi tàn khi xem quyền lực là đặc quyền của cá nhân mình. Ở Mỹ: Tổng thống Richard Nixon từ chức sau vụ Watergate vì lạm dụng quyền lực- cho thấy sức mạnh của cơ quan giám sát (Quốc hội) và báo chí tự do. Ở Hàn Quốc: Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất vì để người thân thao túng quyền lực – một bài học về việc niềm tin của công chúng là tối quan trọng. Ở Singapore: Bộ trưởng Bộ Giao thông S. Iswaran bị truy tố vì tham nhũng – khẳng định nguyên tắc không có vùng cấm, không có ai được đứng trên pháp luật. Ở Nhật Bản và Thụy Điển: Các lãnh đạo phải từ chức hoặc công khai xin lỗi chỉ vì những bê bối nhỏ hoặc sai phạm đạo đức – cho thấy chuẩn mực công vụ và niềm tin của người dân được đặt lên hàng đầu. Những ví dụ này cùng chỉ ra một chân lý: quyền lực phải luôn nằm trong “tấm lưới” giám sát của pháp luật và các chuẩn mực đạo đức nghiêm ngặt. Dù thể chế khác nhau, các quốc gia thành công đều hội tụ một điểm chung: không khoan nhượng với lạm quyền và đạo đức chính trị yếu kém. Chọn và rèn người: Bốn yêu cầu cấp thiết để bộ máy trường tồn Từ sự kiện ông Vương Đình Huệ, công tác lựa chọn cán bộ cấp cao cần được đổi mới với bốn yêu cầu cấp thiết và cụ thể: Thứ nhất là tiêu chí chọn lựa cán bộ phải thực chất: Đừng chỉ nhìn vào bằng cấp hay khả năng hùng biện mà cần đặt trọng tâm vào các tiêu chí như: năng lực lắng nghe và xây dựng sự đồng thuận xã hội, sự minh bạch trong các quyết sách đã đưa ra và một tinh thần phụng sự nhân dân được thể hiện qua hành động thực tế. Thứ hai là đào tạo và rèn luyện cán bộ phải toàn diện: Cán bộ cấp cao không chỉ cần được đào tạo về quản trị hay pháp luật mà còn phải được rèn luyện về kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông, đối thoại với người dân và tư duy “phục vụ” thay vì “cai trị”. Năng lực xử lý phản biện và khủng hoảng đang là khoảng trống lớn trong công tác đào tạo cán bộ. Thứ ba là đảm bảo tiêu chí “trí tuệ thể chế”, tức là không chỉ giỏi ở lĩnh vực chuyên môn của cá nhân mà phải hiểu và vận hành được cả hệ thống. Thứ tư là sự giám sát cần được thực hiện nghiêm ngặt và độc lập: Tăng cường quyền chất vấn của Đại biểu Quốc hội, yêu cầu có các báo cáo giải trình bắt buộc và phải được công khai; thiết lập các kênh phản biện chính sách độc lập với sự tham gia của các chuyên gia ngoài Đảng; xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ và khuyến khích vai trò giám sát, điều tra của báo chí. Cũng từ thực tiễn đó, một bài học lớn cho công tác lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ lãnh đạo cấp cao là: người đứng đầu bất kỳ cơ quan nào, đặc biệt là các cơ quan quyền lực nhà nước không chỉ cần phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn và khả năng điều hành mà còn phải thấu hiểu sâu sắc nguyên tắc tổ chức, phân công quyền lực và phương thức hoạt động của thiết chế do mình phụ trách. Sự thiếu rạch ròi, dù vô tình hay hữu ý giữa vai trò của lập pháp và hành pháp có thể dẫn đến những hệ lụy lâu dài: làm suy giảm hiệu lực kiểm soát quyền lực, ảnh hưởng đến uy tín thể chế và niềm tin của nhân dân. Do đó, việc bồi dưỡng lãnh đạo cấp cao cần coi trọng năng lực thể chế học, tư duy pháp quyền và kỹ năng điều hành đúng chuẩn mực quốc tế, không chỉ để bảo vệ uy tín cá nhân mà quan trọng hơn là để bảo đảm bộ máy nhà nước vận hành minh bạch, cân bằng và hiệu quả. Lời kết Quyền lực chỉ bền vững khi thực sự vì dân. Lịch sử và thực tế đã chứng minh: không có “vận mệnh” hay “lá số” nào có thể bảo vệ một nhà lãnh đạo nếu người đó đánh mất niềm tin của nhân dân và vi phạm các chuẩn mực đạo đức công vụ. Triết lý Phật giáo luôn nhấn mạnh: vạn vật đều vô thường. Người nắm quyền lực nếu thấu hiểu điều này sẽ biết giữ mình, biết khiêm nhường và đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Khi đó, dù rời chính trường trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì họ vẫn sẽ luôn để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng và lịch sử. Một Quốc hội vững mạnh, một bộ máy nhà nước minh bạch và hiệu quả chỉ có thể được xây dựng khi mỗi cá nhân lãnh đạo, dù ở bất kỳ cương vị nào đều thấm nhuần nguyên tắc pháp quyền, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và tiếng nói của nhân dân lên trên hết. Đó cũng chính là thước đo cao nhất để đánh giá năng lực, bản lĩnh và tầm vóc của những người được giao trọng trách chèo lái đất nước trong giai đoạn đầy thử thách và nhiều cơ hội của thế kỷ XXI. TS. Tô Văn Trường
