Ngày 31 tháng Bảy, báo Vietnamnet có một bài viết lấy tựa là: “Bảo đảm tự do ngôn luận, chứ không cổ suý ngôn luận tự do” của tác giả Thiên Văn.
Mở đầu bài viết, tác giả xác định: “Tự do ngôn luận là quyền chính đáng, khát vọng chân chính và nhu cầu của con người. Việc bảo đảm tự do ngôn luận là một trong những thước đo thể hiện sự văn minh ưu việt của thể chế chính trị.” Những nội dung này là chính xác, không cần phải bình luận vì được coi là chuẩn mực trong Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền.
Tuy nhiên khi mới đọc lướt qua, nếu không chú ý người ta dễ hiểu lầm rằng tác giả đang cổ súy chủ trương bảo vệ tự do ngôn luận của nhà nước CSVN, điều mà các quốc gia tôn trọng quyền tự do công dân vẫn làm. Nhưng mệnh đề thứ hai trong tựa bài báo “không cổ suý tự do ngôn luận” mới cho thấy trên thực tế, kiến trúc câu văn mang tính nguỵ biện và đầy mâu thuẫn.
Nếu quan niệm tự do ngôn luận là phần thiết yếu, là khát vọng của con người thì đáng lẽ nó phải được cổ suý rộng rãi hơn nữa để góp phần mở rộng tư tưởng con người hướng về xây dựng một xã hội dân chủ, tự do. Chứ không phải vì một lý do mờ ám nào đó mà ngoài miệng nói bảo đảm tự do ngôn luận, bên trong lại bày trò câu thúc tư tưởng con người.
Bài viết thể hiện lối “chơi chữ” một cách lắc léo để dẫn dắt người đọc vào mê hồn trận của các nhà tuyên giáo đảng, là vô hiệu hoá phản biện của người dân mà chế độ liệt chung vào thành phần thế lực thù địch. Trong lịch sử 90 năm kể từ ngày thành lập, tư tưởng nào khác với tư tưởng đảng CSVN đều bị triệt hạ thẳng tay bằng mọi cách. Nằm trong chủ trương này, ngay trong nội bộ đảng cũng đã từng diễn ra những cuộc thanh trừng êm thấm nhưng rất quyết liệt để loại trừ những đảng viên tỏ ra khác chính kiến với đảng.
Điều 19 trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ra đời năm 1948, tự do ngôn luận được công nhận là một trong những quyền căn bản của con người. Điều này minh định mối liên hệ giữa chính quyền và nhân dân, giữa con người với con người không còn gì rõ ràng hơn: “Ai cũng có quyền tự do biểu đạt, ai cũng có quyền giữ quan điểm mà không bị can thiệp.” Nhưng ngày nay, một vài quốc gia giữ chặt thể chế độc tài, việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận được diễn giải có lợi cho chế độ khi cho rằng nó va chạm đến quyền lợi tập thể và hoàn toàn bỏ quên vị trí và quyền lợi của cá nhân. Chẳng những thế, những chế độ độc tài vì lo sợ sự cai trị khắc nghiệt của mình bị phê phán, đã thi hành mọi biện pháp bóp méo sự thật, độc quyền báo chí, kiểm soát mạng xã hội.
Trong thể chế chính trị độc tài tại Việt Nam, khi CSVN nói rằng “bảo đảm tự do ngôn luận” chỉ mang ý nghĩa tuyên truyền bề nổi mà thôi. Sự kiện CSVN ký vào Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 cũng như viết trong Hiến Pháp 2013 rằng “Nhà nước Việt Nam tôn trọng tự do ngôn luận,” hoàn toàn là “a dua” theo trào lưu chung của nhân loại, qua đó tô vẽ bộ mặt của chế độ bớt cực đoan, khủng bố đối với những ai ít hiểu biết.
Bằng chứng CSVN vẫn thường khoe khoang rằng họ có đến 800 cơ quan báo chí, truyền thông để chứng minh rằng Việt Nam có tự do ngôn luận, thậm chí còn có nhiều hơn các nước khác. Nói cách khác “bảo đảm tự do ngôn luận” tại Việt Nam chỉ tập trung trong tay của 800 tờ báo, đài do đảng CSVN quản lý, dưới sự điều hướng của một tổng biên tập là Ban Tuyên Giáo Trung Ương.
Như vậy người ta có thể nói đảng và nước Việt Nam đã có “bảo vệ tự do ngôn luận” rất đầy đủ nhưng chỉ mới bảo vệ trên…giấy. Còn nếu đem việc đảng bảo vệ quyền tự do ngôn luận ấy ra để so sánh với hành động thực tế thì có một khoảng cách lớn lao giữa nói và làm. Hay có thể nói, chủ trương lớn của đảng là nói mà không làm, hoặc nói thật nhiều mà làm chẳng bao nhiêu. Bởi khi người dân sử dụng quyền công dân của mình, nói lên những điều muốn nói mà hiến pháp và tuyên ngôn nhân quyền cho phép thì đảng lại ngăn cấm. Đảng gọi đó là “cổ suý tự do ngôn luận,” tức làm sai ý đảng cần phải ngăn chặn và trừng trị bằng hình luật.
Cho nên tuần vừa qua mới có “vụ án nhóm Hiến Pháp” mà toà án cộng sản đã kết án 8 anh chị em trong nhóm xã hội dân sự ôn hoà này tổng cộng 40 năm 6 tháng tù. Những công dân này không làm gì vi phạm pháp luật mà chỉ muốn quảng bá những nội dung minh định trong hiến pháp hiện hành để nó trở thành thực tiễn. Hành vi ấy có lợi cho xã hội, đồng thời cũng có lợi cho chế độ vì nó đem người dân gần với chính quyền hơn. Nhưng đối với đảng CSVN, đó là hành vi cổ súy tự do ngôn luận không được cho phép.
Ngay cả những người vì lòng yêu nước mà nói lên sự phản kháng Trung Cộng xâm lược, chiếm đoạt biển đảo của Việt Nam, chống Formosa, chống Luật đặc Khu và Luật an ninh mạng thì đảng lại gọi đó là lợi dụng tự do ngôn luận nằm trong âm mưu lật đổ chính quyền. Cũng chính vì chế độ cộng sản triệt để bảo vệ quyền tự do ngôn luận kiểu đó mà biết bao nhà báo, nhà văn độc lập phải vào tù và Việt Nam vinh dự đứng trong hàng ngũ 5 quốc gia là “kẻ thù của tự do báo chí.”
Đó là bản chất gian trá của chế độ độc tài, nên trong bài viết của những tên bồi bút tuyên giáo giờ này vẫn còn có những suy nghĩ lắc léo, đánh lừa chữ nghĩa để phủ nhận ý nghĩa cao đẹp của quyền tự do ngôn luận.
Kiểm soát tư tưởng, không nghe, không tiếp thu ý kiến xây dựng của người dân, vậy đất nước làm sao tiến bộ, làm sao cất cánh trong thời đại công nghệ 4.0?
Phạm Nhật Bình