Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc vào ngày 26 tháng 3 tổ chức lễ kỷ niệm 71 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Đài Tiếng nói Việt Nam loan tin này vào cùng ngày.
Buổi lễ diễn ra chỉ một ngày sau khi Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng nói rằng Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển của Việt Nam khi điều 220 tàu dân quân đến đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa.
Theo lời bà Lê Thị Thu Hằng thì các hoạt động của tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc Trường Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) giữa khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.
Trước đó, vào ngày 24 tháng 3, ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ chủ tịch nước 2016-2021 đọc trước Quốc hội, nói rõ rằng “Có những việc không thể nói công khai nhưng có những thời điểm, có những sự cố xảy ra ở Biển Đông xử lý thế nào, phía tây của chúng ta thế nào, phía tây nam thế nào, quan hệ với nước bạn thế nào. Có những cái xử lý phải nói rất thật với các bạn, các đồng chí là hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo nhưng cả hệ thống chúng ta làm rất tốt.”
Việt Nam, Trung Quốc và 4 nước khác gồm Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines đều có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Bắc Kinh tự vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn và tuyên bố chủ quyền đến 90% vùng biển này.
Trong những năm qua, Bắc Kinh tiến hành cải tạo, bồi lấp một số đá thành đảo nhân tạo, xây dựng thành tiền đồn với những cơ sở hạ tầng và trang thiết bị quân sự hiện đại trên những đảo đó.
Hoạt động bành trướng của Trung Quốc bị nhiều nước trên thế giới lên án vì cho vi phạm luật pháp quốc tế.
Nguồn: RFA