Đất đai là tài nguyên quý giá đối với mọi quốc gia. Hơn thế, đối với những nước nghèo, như Việt Nam, nó còn là nguồn lực to lớn để phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi sang thị trường, vấn đề đất đai đã dần trở nên ‘mất kiểm soát‘ bởi nhà nước do luật lệ, chính sách lạc hậu, mang nặng tính chính trị, và hậu quả là đất đai trở thành ‘lãnh địa‘ màu mỡ cho cán bộ, lãnh đạo tha hóa quyền lực, ‘trục lợi‘ tràn lan dưới nhiều hình thức, từ trắng trợn đến tinh vi.
Luật Đất đai 1987 có hiệu lực thi hành từ 1988, áp dụng trong thời kỳ đổi mới quy định: “Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”. Đến năm 2003 Quốc hội Việt Nam ra Luật Đất đai mới sửa lại thành: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Quy định này được Quốc hội kéo dài hơn một chút trong Luật Đất đai sửa đổi ban hành vào cuối năm 2013: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.”
“Sở hữu toàn dân” không phải là một khái niệm từ các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, mà nó được du nhập từ mô hình kinh tế tập trung của Liên Xô những năm 1930. Trong Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam chưa có khái niệm này. Hiến pháp năm 1959 mới có quy định “các hầm mỏ, sông ngòi, rừng cây và đất hoang là của nhà nước, thuộc sở hữu nhà nước tức là sở hữu toàn dân” với ngụ ý sở hữu toàn dân đồng nghĩa với sở hữu nhà nước. Mãi đến Hiến pháp năm 1980 mới tuyên bố đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường những quyền tài sản tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều núp bóng dưới khái niệm ngày càng trở nên mơ hồ là ‘sở hữu toàn dân‘. Nhà nước trên danh nghĩa là đại diện chủ sở hữu duy nhất, nhưng không thể trực tiếp sử dụng và khai thác hàng trăm triệu ô đất, thửa đất lớn nhỏ trên phạm vi toàn quốc. Bởi vậy, từ năm 1993, Nhà nước Việt Nam buộc phải trao lại các quyền ngày càng rộng rãi hơn cho các cá nhân và tổ chức đang sử dụng những ô thửa đất ‘toàn dân‘ này. Các pháp nhân này về danh nghĩa không có quyền sở hữu tư nhân tuyệt đối, nhưng ngày càng được hưởng nhiều quyền tài sản trên đất/hoặc gắn liền với đất qua các lần sửa đổi Luật đất đai.
Mâu thuẫn này ngày càng trở nên sâu sắc thêm khi nhà nước phân biệt đối xử về các vấn đề quyền sử dụng đất, khi giao đất hoặc cho thuê đất cho các đối tượng khác nhau, về thực thi quyền can thiệp mạnh mẽ vào quá trình sử dụng đất, nhưng lại phân tán thực thi quyền định đoạt của nhà nước với đất đai… Đây là ‘những khuyết tật‘ luật pháp chủ yếu tạo ra ‘môi trường‘ cho tham nhũng chính sách và chiếm đoạt trong thực tế khiến cho bất ổn thể chế gia tăng như nêu ở trên.
Trong nhiều năm qua, đã xảy ra rất nhiều vụ án tranh chấp đất đai giữa người dân và doanh nghiệp, và nhà nước thì luôn đứng về phía doanh nghiệp, như tranh chấp ở Văn Giang, Dương Nội, Thủ Thiêm, vườn rau Lộc Hưng. Đặc biệt trong năm 2020 này, xảy ra vụ án tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm gây chấn động dư luận, khi có tới 4 người đã chết (một người dân Đồng Tâm và ba người thuộc lực lượng công an. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án được dư luận trong và ngoài nước theo dõi rất sát sao.
Đồng Tâm là vụ án hết sức phức tạp, tuy nhiên trong quá trình xét xử, hội đồng xét xử đã nhiều lần bác bỏ rất nhiều kiến nghị của luật sư bào chữa nhằm làm sáng tỏ bản chất vụ án và giúp cho việc xét xử đúng người đúng tội, tránh gây oan sai. Ngay trong quá trình điều tra cũng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bức cung, nhục hình, vi phạm thủ tục tố tụng và quyền lợi của người bị tạm giam tạm giữ. Vụ án Đồng Tâm là một trong những tấn bi kịch về tranh chấp quyền lợi đất đai giữa người nông dân và doanh nghiệp, nó cũng là điển hình cho những vụ việc nhà nước biến vụ án vốn mang tính chất dân sự trở thành hình sự.
Thiết nghĩ đây là vụ án cần được xem xét và phân tích thật sự sâu kỹ về khía cạnh luật pháp Việt Nam dưới góc độ luật Nhân quyền và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, vì thế Trung Tâm Thông Tin Nhân Quyền xin gửi tới Quý vị báo cáo về vụ án Đồng Tâm do chúng tôi thực hiện.
Các bạn có thể tải bản báo cáo về vụ án này (PDF) tại đây.