Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/9, ông Lê Minh Trí được truyền thông Nhà nước dẫn lời phát biểu với nội dung cho rằng “bảo vệ quyền con người là việc phải làm,” tuy nhiên nhân quyền của nghi phạm, nghi can có thể bị hạn chế để bảo vệ cuộc sống bình yên của đa số người dân.
Một số luật sư và người hoạt động xã hội nói rằng phát biểu của Viện trưởng Lê Minh Trí của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về công tác của ngành này thể hiện sự vi phạm quyền con người và nguyên tắc xét xử công bằng.
Hiến pháp đã quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt công dân loại 1-2 và 3, hay là giữa người phạm tội hay chưa phạm tội.
Kể cả những công dân phạm tội, họ có thể bị tước quyền công dân nhưng quyền con người của họ vẫn phải được tôn trọng và bảo đảm: họ phải được ăn uống, khám chữa bệnh và đọc sách báo…
Ông Lê Minh Trí nói: “Trong một vụ án, hai lời khai của người phạm tội hoặc ba lời khai của nhân chứng có liên quan thì có thể khởi tố, bắt giam để tránh bỏ lọt tội phạm. Còn kết luận có tội hay không thì tòa sẽ tuyên.”
Lời khai nhận tội của chính họ cũng không được xem là chứng cứ duy nhất để buộc tội họ chứ đừng nói sử dụng lời khai của hai người hay hai mươi người để buộc tội/bắt họ. Lời khai của nhân chứng hoặc của bị can bị cáo phải phù hợp với tình tiết khách quan có trong hồ sơ vụ án hoặc tình tiết khác có trong quá trình điều tra.
Ngành luật có nguyên tắc rất quan trọng, đó là trọng chứng hơn trọng cung. Nếu mà chỉ dựa vào lời khai của một người để đi bắt người khác thì anh sai rõ.
Khi chưa có đủ chứng cứ để chứng minh họ vi phạm pháp luật hình sự mà đã khởi tố, truy tố, xét xử họ và sau đó đình chỉ vụ án vì họ không phạm tội thì rõ ràng là quyền con người của họ đã bị xâm phạm, họ bị oan.